Để nhà vệ sinh trường học không còn là nơi đáng sợ

Để nhà vệ sinh trường học không còn là nơi đáng sợ

Ngày đăng: 15/11/2022 12:00 AM

    Ngày 15.11, tại Hà Nội, Hội đồng Đội T.Ư và Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chương trình “Nhà vệ sinh cho em”.

    Tham dự chương trình có chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam.

    •  
    •  
    •  
    •  

    Chị Nguyễn Phạm Duy Trang tặng hoa và thư cảm ơn nhà tài trợ chương trình

    NHẬT NAM

    33% nhà vệ sinh cần nâng cấp, xây mới

    Ban tổ chức cho biết theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước có 188.000 nhà vệ sinh học sinh ở các cấp học, trong đó có 56.400 (chiếm 33%) nhà vệ sinh cần có sự đầu tư, hỗ trợ để nâng cấp, xây mới.

    Chương trình “Nhà vệ sinh cho em” do Hội đồng Đội T.Ư phối hợp cùng Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam triển khai nhằm tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong công tác chăm lo, hỗ trợ thiếu nhi.

    Chương trình còn nhằm lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng xã hội, chung tay, góp sức để trang bị các điều kiện, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học cho các em học sinh, đặc biệt là học sinh tại các địa bàn khó khăn.

    Hội đồng Đội T.Ư ký kết hợp tác với Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam

    NHẬT NAM

    Chương trình sẽ trao tặng, xây dựng 150 công trình "Nhà vệ sinh cho em" từ tháng 11.2022 - 12.2023 tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trị giá 7,5 tỉ đồng.

    Song song với chương trình phối hợp xây dựng nhà vệ sinh thông minh cho các trường tiểu học, trung học cơ sở, dự kiến trong năm 2023, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam tiếp tục phối hợp với T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư triển khai xây dựng 100 nhà vệ sinh 5 sao, đạt quy chuẩn ASEAN, trang bị tại các công viên, tuyến phố, bãi biển.

    Hội đồng Đội T.Ư và Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cam kết chung tay thực hiện chương trình Nhà vệ sinh cho em

    NHẬT NAM

    Chương trình được triển khai với sự tham gia của các cơ sở Đoàn thông qua việc Hiệp hội Nhà Vệ sinh Việt Nam tài trợ các sáng kiến khởi nghiệp, quản lý khai thác, vận hành các điểm nhà vệ sinh theo hình thức xã hội hóa nhằm gây quỹ, tạo nguồn kinh phí duy trì các hoạt động bảo dưỡng, sử dụng liên tục, lâu dài các nhà vệ sinh đã trang bị.

    Qua đó, phát huy vai trò của đoàn viên, thanh thiếu niên trong tham gia tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường cho người dân. Tổng giá trị tài trợ của chương trình là 50 tỉ đồng.

    Mô hình nhà vệ sinh thông minh do Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam xây dựng

    BTC

    Tạo môi trường thân thiện để học sinh yên tâm học tập

    Phát biểu tại chương trình, ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, cho biết Hiệp hội ra đời từ năm 2014, khi các thành viên sáng lập nhận thấy thực trạng đáng báo động của không ít nhà vệ sinh trong khu vực trường học, thậm chí ngay tại các thành phố lớn trên cả nước.

    Sau khi thành lập một nhóm nghiên cứu, các nhà sáng lập của Hiệp hội đã tiến hành khảo sát thực tế tại 17 quốc gia với sự tham gia của đại diện tổ chức Nhà vệ sinh thế giới.

    Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam phát biểu tại chương trình

    NHẬT NAM

    “Riêng tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã khảo sát tại hơn 40 tỉnh, thành phố với trọng tâm là các trường học, bệnh viện. Kết quả, nhưng hình ảnh, clip phản ánh xác thực tình trạng của các nhà vệ sinh trong khuôn khổ đợt khảo sát đã trở thành hồi chuông cảnh báo đối với toàn cộng đồng”, ông Hiệp nói.

    Theo ông Hiệp, Hiệp hội hoạt động dựa trên nguyên tắc không xin tài trợ từ ngân sách nhà nước, không thu phí của người thụ hưởng mà chỉ sử dụng cơ chế xã hội hóa để gây quỹ để xây dựng, cải tạo miễn phí nhà vệ sinh ở vùng sâu, vùng xa.

    Phát biểu ý kiến tại buổi lễ ký kết, chị Nguyễn Phạm Duy Trang cho rằng các công trình nhà vệ sinh trường học, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm sức khỏe, góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh để học sinh an tâm học tập, rèn luyện và phát triển toàn diện.

    Chị Nguyễn Phạm Duy Trang phát biểu tại chương trình

    NHẬT NAM

    Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều địa phương, nhất là khu vực miền vúi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; các trường học còn đang rất thiếu những nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn.

    “Hiện có không ít học sinh sợ đi vào nhà vệ sinh nên phải nhịn uống nước. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến không chỉ sức khỏe mà còn cả tâm lý của các em”, chị Trang nói.

    Theo chị Trang, chương trình “Nhà vệ sinh cho em” có ý nghĩa quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe, tạo môi trường thân thiện để học sinh yên tâm học tập, cùng với đó góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức, thái độ của học sinh về bảo vệ môi trường, nước sạch và vệ sinh cá nhân.

    Chương trình “Nhà vệ sinh cho em” còn là nội dung nhằm hiện thực hóa chương trình “Điều ước cho em” do T.Ư Đoàn, Bộ GD-ĐT, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Đề án “Phát triển tri thức Việt số hóa” đang triển khai. Đồng thời, cũng là hoạt động của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam nhằm hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới 19.11.

    Chị Trang mong muốn với chương trình ý nghĩa này sẽ giúp học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui và có thể phát triển nhà vệ sinh thành khu vực xanh, để là nơi các em không còn sợ nữa.

    Zalo
    Hotline