Một chiều tháng 3/2022, ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, nhận được lời "kêu cứu" từ một tài xế taxi: "Tôi đã lái xe 2 tiếng rồi nhưng không tìm được nhà vệ sinh nào để đi cả. Vì sao nhà vệ sinh công cộng lại "hiếm" như vậy?". Đây là một trong rất nhiều cuộc gọi ông đã nhận được từ người dân, khách du lịch trong 5 năm qua.
Sau thứ hạng 67/69 của TPHCM trong bảng đánh giá tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng, ông Hiệp đã có buổi trao đổi với phóng viên Dân trí về thực trạng đáng buồn, đáng ngẫm và đáng giải quyết hiện nay.
Tờ Nikkei Asia đã đưa ra bảng xếp hạng tiêu chuẩn và mật độ nhà vệ sinh công cộng (tính trên km2) của các thành phố du lịch, trong đó TPHCM đứng thứ 67/69. Theo ông, đánh giá này có đúng với thực trạng nhà vệ sinh công cộng tại TPHCM hiện nay không?
- Họ có căn cứ để đánh giá chính xác như vậy! Nhiều năm qua, các quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… đều đã có những tổ chức đánh giá nhà vệ sinh công cộng tại các thành phố du lịch. Học đo đạc về chất lượng, số lượng lẫn mô hình để đưa ra kết luận. Chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào thực trạng đang diễn ra.
Vậy theo ông, những hạn chế lớn nhất về nhà vệ sinh công cộng tại TPHCM là gì?
- Trước khi thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, tôi là một ông bố từng ba lần đổi trường học cho con vì nhà vệ sinh. Tôi bắt đầu lao vào tìm hiểu, đi thực tế ở nhiều địa điểm và nhận ra hai vấn đề lớn của công trình phụ này: thiếu và bẩn.
Vì sao thiếu? Tôi đến một công viên cả nghìn mét nhưng chỉ thấy một nhà vệ sinh với một buồng duy nhất. Ông cụ tập thể dục buổi sáng than thở với tôi: "Đại tràng yếu nhưng sáng nào cũng phải chờ từ 5-10 phút mới được đi vệ sinh". Họ phải xếp hàng để chờ tới lượt. Chúng ta có rất nhiều tuyến phố, khu du lịch, bãi biển… đi vài cây số mới bắt gặp nhà vệ sinh. Khách du lịch họ sẽ "giải quyết" ở đâu trong khi đây là nhu cầu bình thường của mỗi người?
Khổ nhất là cánh tài xế. Có lần một anh tài xế than thở với tôi chạy 2 km nhưng vẫn chưa thấy nhà vệ sinh, hoặc khi đi vệ sinh thì dựng xe ở đâu, gửi xe cho ai. Nếu nhà vệ sinh nằm trong công viên, barie chắn đường thì làm sao vào được. Họ là người lao động không có nhiều thời gian cho việc tìm bãi gửi xe để đi vệ sinh.
Bên cạnh đó, đa phần nhà vệ sinh đều là dạng bậc cầu thang, cửa khoảng 0,7m, người khuyết tật không sao vào được.
Đồng thời, nhà vệ sinh bẩn cũng là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Nó kéo theo nhiều hệ lụy, vi khuẩn hình thành, lây lan bệnh tay chân miệng… Nhiều nơi xây nhà vệ sinh như công trình "có là được rồi" chứ không chăm sóc, tu dưỡng, cải tạo. Câu chuyện "xây nhưng không xài được" đang diễn ra hàng ngày, một số nơi đóng cửa do đơn vị đầu tư theo hình thức xã hội hóa không hiệu quả.
Tôi từng chứng kiến nhiều nhà vệ sinh rất ám ảnh, khách nín thở khi bước vào, rồi hết giấy, hết nước, mùi hôi nồng nặc, rác đầy sàn, thiết bị cáu bẩn… Nhìn nhà vệ sinh bẩn, nhiều người cũng có tâm lý "không phải việc của mình" nên cũng không lau dọn, can thiệp.
Theo quy chuẩn quốc tế, nhà vệ sinh công cộng cần đảm bảo những yếu tố nào, thưa ông?
- Tôi từng bỏ 30.000 USD chỉ để đi xem… nhà vệ sinh ở các quốc gia như Nhật Bản, Đức, Singapore, Úc và Đức. Tôi nhận thấy một điều, họ đặt nhà vệ sinh công cộng bề ngang 2,5m, dài 5m ở ngã ba, ngã tư đường mà không ngại cản trở mỹ quan, giao thông hay phong thủy.
Chúng ta nên dừng xấu hổ khi nói về nhà vệ sinh, không nên đặt chúng dưới hầm, sau hàng cây, chỗ góc khuất…
Theo quy chuẩn quốc tế, khoảng cách 300-500m đường nên có một nhà vệ sinh công cộng. Đối với một số quốc gia, khi quy hoạch công viên, tuyến phố, bãi biển, yêu cầu về nhà vệ sinh là bắt buộc để khách du lịch, người dân dễ tiếp cận. Về chất lượng, nhà vệ sinh cần đảm bảo hệ thống cửa đóng mở, nước sạch, khăn giấy sạch, hệ thống thông gió, khử mùi, xử lý chất thải.
Nhìn thẳng vấn đề, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế bởi sự giám sát, chăm sóc nhà vệ sinh công cộng chưa đồng diện, ý thức người sử dụng, hạ tầng còn thiếu. Theo quy chuẩn trên, chúng ta chỉ mới đảm bảo được 10% về chất lượng lẫn số lượng.
Ông nhận định như thế nào về tầm quan trọng của nhà vệ sinh đối với du lịch?
- Năm 2018, khi tôi viết đơn thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, nhiều người đã cười, giễu cợt. Người ta nói rằng, vì sao lại có tổ chức thành lập chỉ để lo chuyện rất riêng tư, tế nhị này. Thậm chí, có người còn nhắn tin chửi tôi, bảo sao rảnh quá.
Nhưng nhiều năm sau, chính họ cũng đã thay đổi nhận thức, thấy rằng nhà vệ sinh rất quan trọng, đặc biệt là với du lịch. Nhà vệ sinh công cộng cũng như xe buýt, tuyến phố, sẽ trở thành trải nghiệm của khách quốc tế. Đây cũng là một tiêu chuẩn đề người ta đánh giá.
Chúng ta có cải thiện, nhưng chưa quyết liệt. Hiện tại, nhà vệ sinh bẩn vẫn còn, khách ban đêm vẫn gặp khó khăn trong việc tìm nơi "giải quyết nỗi buồn". Nhà vệ sinh công cộng vẫn được mở cửa theo "giờ hành chính", hay thậm chí, một số nơi thích là treo biển nghỉ.
Cá nhân tôi muốn hướng đến mô hình không thu phí, được mở cửa 24/24h hay tối thiểu là 16/24h. Nhà vệ sinh phải sạch, phải hiện đại, tiện nghi và mang đến cho khách cảm giác thoải mái như ở nhà.
Nhiều năm qua, TPHCM đã có những dự án để xây mới, cải tạo nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, các dự án này vẫn chưa hoàn thành với nhiều lý do (quỹ đất, thủ tục pháp lý, nguồn vốn…). Theo quan điểm của ông, hướng phát triển, cải tạo, tu sửa nên được diễn ra với hình thức nào?
- Trong thời gian qua, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cũng đã có buổi đã làm việc với UBND TPHCM và Sở Tài nguyên và Môi trường. Vấn đề xây dựng, cải tạo, làm mới, nâng cấp, tu sửa… nhà vệ sinh công cộng cần được phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên và Môi trường nhằm đưa ra vị trí, địa điểm và cách thức thực hiện mang lại tính bền vững.
Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cũng đã đưa ra mô hình nhà vệ sinh thông minh với hệ thống quản trị AI, cảm biến tự động đóng/mở cửa, tự làm sạch, làm khô bề mặt. Người dùng cũng không cần chạm tay để mở nắp thùng rác. Và chỉ trong 0,2 giây, hệ thống này có thể báo về máy chủ tình trạng "báo động" của nhà vệ sinh: tắc nghẽn bồn, hết nước, hết giấy hay có ai cạy phá thiết bị. Hệ thống hút mùi sẽ hoạt động liên tục trong cabin, diệt khuẩn bằng tia UV.
Chúng tôi đã đưa ra phương án sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, mô hình nhà vệ sinh kết hợp với trưng bày sản phẩm Ocop vùng miền, quảng cáo, sản phẩm Ocop vùng miền… Nếu tỉnh, thành có văn bản đề xuất vị trí đặt nhà vệ sinh công cộng bền vững, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cam kết sẽ tư vấn, hỗ trợ miễn phí việc xây dựng, lắp ráp.
Ngoài nâng cấp chất lượng thì câu chuyện thay đổi ý thức của người dân nên được cải thiện như thế nào nữa, thưa ông?
- Hiệp hội đưa ra chương trình đào tạo người quản lý nhà vệ sinh công cộng. Người ta thường xem nhà vệ sinh công cộng không quan trọng, cho đến khi nhận thấy được sự ảnh hưởng của nó đối với khách du lịch. Tôi nghĩ nhân viên cũng được đào tạo bài bản, có ý thức đạo đức nghề nghiệp. Tôi mong muốn hạn chế được tình trạng khạc nhổ, cãi nhau với khách du lịch… Bạn bước vào nhà vệ sinh, bạn thấy nhân viên lịch sự với mình, bạn sẽ không muốn cư xử thô lỗ. Văn minh cần được xây dựng từ những điều rất nhỏ, cúi chào khách, ăn nói nhỏ nhẹ.
Theo Sở Du lịch TPHCM, qua khảo sát và lấy ý kiến của các doanh nghiệp lữ hành về các điểm bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, khách du lịch thường xuyên đến tham quan trên địa bàn, còn một số điểm tham quan có nhà vệ sinh chưa đạt tiêu chuẩn.
Đặc thù của nhiều điểm tham quan là phần lớn diện tích sử dụng dành cho nhà vệ sinh công cộng nhỏ, không đáp ứng tiêu chuẩn của Tổng cục Du lịch.
Tại các điểm được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, việc xây dựng, sửa chữa lại liên quan đến quy hoạch bảo tồn di tích. Vì vậy, thủ tục xét phê duyệt diễn ra khá khó khăn.
Hiện nay, một số điểm tham quan không có nhà vệ sinh công cộng cho các du khách bởi không có kinh phí để xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh công cộng. Do đó việc đôn đốc xây dựng cần phải có sự đồng thuận của địa phương, đơn vị chủ quản tại chỗ.
Nhằm triển khai tốt việc xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ du khách, Sở Du lịch TPHCM đã phối hợp với một số sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, Hiệp Hội Nhà vệ sinh Việt Nam tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá thực tế hiện trạng hệ thống nhà vệ sinh tại 51 khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố; thông tin, tuyên truyền đến lãnh đạo các khu, điểm tham quan du lịch về các tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng theo bộ tiêu chí của Tổng Cục du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn để tham khảo, nghiên cứu tổ chức thực hiện tại đơn vị.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch tiếp tục phối hợp với Hiệp Hội Nhà vệ sinh Việt Nam và các sở, ngành có liên quan triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn theo bộ tiêu chí của Tổng cục Du lịch; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao kiến nghị đề xuất cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chỉnh trang, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống nhà vệ sinh đối với các điểm tham quan du lịch là các bảo tàng, di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật chưa đáp ứng tiêu chuẩn du lịch.
Đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, khảo sát thực tế 51 điểm trong kế hoạch; nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường du lịch.
Đồng thời, Sở Du lịch kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức đánh giá các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn. Đặc biệt là khu vực trung tâm có đông khách du lịch tham quan tham mưu giải pháp cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu du khách.
Song song đó, Sở Du lịch đã có công văn vận động các cơ sở, lưu trú, doanh nghiệp dịch vụ du lịch trên địa bàn TP hưởng ứng mở cửa nhà vệ sinh phục vụ cho du khách trong và ngoài nước.