Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam bên trong một công trình nhà vệ sinh công cộng thông minh do công ty ông lắp đặt |
Dư luận tuần qua dành sự quan tâm đặc biệt tới thông tin thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh VN được báo chí đăng tải. Câu chuyện nhà vệ sinh lâu nay luôn được xem là tế nhị đối với người Việt thực ra phản ánh rất nhiều vấn đề của xã hội hiện nay. Ông Lê Văn Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH TM - DV Môi trường Kim Hoàng Hiệp, người vừa được bầu làm Chủ tịch hiệp hội này đã có cuộc trao đổi rất thẳng thắn với Báo Giao thông.
Cải trang, thâm nhập nhà vệ sinh để... ghi chép
Đại hội Hiệp hội Nhà vệ sinh VN lần thứ nhất, nhiệm kỳ 5 năm diễn ra ngày 8/11 tại Bình Dương vừa bầu ông làm chủ tịch. Vì sao ông đeo đuổi lập hiệp hội khá mới lạ này?
Tôi còn nhớ, có một lần con tôi đi học về kể đến trường không dám đi vệ sinh vì bẩn. Chỉ một câu nói của con như vậy nhưng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về thực trạng nhà vệ sinh công cộng. Trong các cơ quan, tổ chức hiện nay, đa phần nhà vệ sinh đều không được chú trọng vì xưa nay chúng ta xem nó chỉ là công trình phụ nên bỏ bê, không vệ sinh sạch sẽ gây nên mùi hôi thối, dơ bẩn.
"Chỉ sau gần 9 tháng ra mắt nhà vệ sinh “5 sao”, chúng tôi có nhiều đơn đặt hàng mới, có doanh nghiệp đặt hàng hơn 1.000 nhà vệ sinh. Nhiều tỉnh, thành có thu nhập chủ lực từ du lịch như: Đà Nẵng, Vũng Tàu, Huế… cũng đã ngỏ ý với Kim Hoàng Hiệp”. Ông Lê Văn Hiệp |
Vì vậy, trong 3 năm trở lại đây, tôi đã âm thầm thực hiện ước mơ về nhà vệ sinh thông minh cũng bởi tôi luôn phải chứng kiến quá nhiều nơi “người ta” ở bẩn. Hạ tầng công trình thấp kém cộng với ý thức giữ gìn vệ sinh của một bộ phận người dân chưa tốt nên ngay cả những thành phố lớn, những khu phố sầm uất cũng bị xả thải tràn lan.
Kể cả khi đã có những chế tài xử phạt những người tiểu tiện không đúng chỗ, tình trạng phóng uế bậy bạ vẫn không giảm.
Những cây cầu bộ hành khá hiện đại ở các thành phố lớn, nhưng hầu hết đều bị người ta tiểu tiện bừa bãi nên rất ít người dám đi.
Hai vợ chồng tôi lặn lội khắp nơi, khảo sát hơn mấy chục tỉnh thành, lấy số liệu, tìm tòi phương án, đưa ra kế hoạch đầu tư thực hiện nhằm thay đổi suy nghĩ của người dân và chính quyền địa phương về nhà vệ sinh.
Thậm chí, chúng tôi còn đóng giả bệnh nhân hay cải trang làm phụ huynh học sinh thâm nhập thực tế vào nhà vệ sinh ở các trường học, bệnh viện, cơ quan Nhà nước... Tuy nhiên, điều đáng buồn là vẫn còn rất nhiều cơ sở y tế, trường học thờ ơ với vấn đề này, mặt khác họ cũng sợ ảnh hưởng đến thành tích thi đua… nên đa phần đều né.
Trước đó, đầu năm 2018, lần đầu tiên Kim Hoàng Hiệp cho ra đời nhà vệ sinh thông minh tại Chùa Bà Thiên Hậu - Bình Dương. Nhà vệ sinh được coi là “5 sao” này khác biệt thế nào với nhà vệ sinh thông thường, thưa ông?
Nhà vệ sinh thông minh hoàn toàn tự động bởi mạng lưới cảm biến “Internet of Things”, có khả năng truyền tải và kết nối máy chủ qua hàng nghìn km. Người sử dụng không phải chạm tay vào bất kỳ thiết bị nào từ mở cửa đến cấp giấy, rửa tay, sấy tay, xả nước… Đặc biệt, thiết kế có cả buồng dành cho người khuyết tật, không gian thoáng mát.
Ngoài những ưu điểm của những nhà vệ sinh theo công nghệ phương Tây, Công ty TNHH TM-DV Môi trường Kim Hoàng Hiệp còn sáng chế thêm 6 tính năng tiện ích như: Rửa tay, hút sấy mùi, cơ chế diệt khuẩn bằng công nghệ tia UV, kích hoạt tự dọn vệ sinh bằng cần gạt rác, hướng dẫn sử dụng bằng âm thanh cài đặt.
Nhà vệ sinh thông minh này kiểm tra chất lượng tự động, được điều hành bằng mệnh lệnh. Tất cả những sáng chế đó đều được Bộ KH&CN chứng nhận.
Đầu năm 2018, lần đầu tiên Kim Hoàng Hiệp cho ra đời nhà vệ sinh thông minh tại Chùa Bà Thiên Hậu - Bình Dương, đây là nhà vệ sinh hoàn toàn miễn phí, phục vụ bà con và du khách khi đến Bình Dương.
Ước tính, tổng kinh phí tài trợ khoảng 1,5 tỷ đồng, miễn phí 100% duy tu, bảo dưỡng, vận hành. Tiếp đến, công ty cũng đã lắp đặt tại Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh Bình Dương và một số địa điểm công cộng tại TP.HCM.
Xã hội văn minh không thể xem nhẹ nhà vệ sinh
Sau đại hội, mục tiêu cụ thể của Hiệp hội Nhà vệ sinh VN là gì, thưa ông?
Nhiều người kể với chúng tôi có nhiều bạn bè quốc tế đến Việt Nam chơi, ai cũng háo hức. Nhưng mỗi lần nhắc đến nhà vệ sinh công cộng, nhiều người tỏ ra ái ngại. Nhiều người vì “mót” đi vệ sinh nên cả nhóm đành phải vào bar, quán cà phê sang trọng, gọi đồ uống nhưng nhiều khi không uống, chỉ vì muốn đi nhà vệ sinh.
Đi toa lét là câu chuyện tế nhị nhưng không thể là vụn vặt, nhất là trong thời đại hiện nay, khi đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, xã hội văn minh càng không thể xem nhẹ việc này.
Sau đại hội, chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng cho mọi tầng lớp nhân dân.
Tiếp đến, mục tiêu của hiệp hội nhằm giúp người dân tiếp cận được với những nhà vệ sinh hiện đại, từ đó thay đổi ý thức để không phóng uế, không xả chất thải ra môi trường bừa bãi… theo quy ước của Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới.
Các thành viên thuộc hiệp hội cũng sẽ triển khai ngay các dự án nâng cao chất lượng nhà vệ sinh tại Việt Nam. Bởi thực tế, thực trạng nhà vệ sinh công cộng tại nhiều nơi trên cả nước đều chưa đạt chất lượng. Một số nơi nhà vệ sinh rất bẩn, người dân chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung.
Vì vậy, một số loại bệnh phát sinh do bị nhiễm khuẩn từ nhà vệ sinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người. Bên cạnh đó, nhà vệ sinh sạch sẽ ở bệnh viện, trường học, những nơi công cộng cần trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá văn hóa của địa phương, đặc biệt trong mắt người nước ngoài.
Cảm ơn ông!
Nguồn: Báo giao thông